22. CĂNG THẲNG, LO ÂU, TRẦM CẢM Ở NGƯỜI BỆNH ĐỘT QUỴ NÃO ĐƯỢC PHỤC HỒI CHỨC NĂNG TẠI BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN NĂM 2024

Nguyễn Tuấn Anh1, Trần Thị Thanh Hương1
1 Trường Đại học Y Hà Nội

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Mục tiêu: Mô tả tình trạng căng thẳng, lo âu, trầm cảm ở người bệnh đột quỵ não được phục hồi chức năng tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An năm 2024 và ảnh hưởng của tuổi lên sự cải thiện các triệu chứng cảm xúc.


Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu cắt ngang trên 198 người bệnh chẩn đoán xác định là đột qụy não tại Trung tâm Đột quỵ và Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An trong thời gian từ tháng 1/2024 tới tháng 12/2024. Sàng lọc căng thẳng, lo âu, trầm cảm bằng thang điểm DASS-21 ở thời điểm sau chẩn đoán và sau 3 tháng điều trị phục hồi chức năng.


Kết quả: Nhóm người bệnh 50-80 tuổi chiếm tỉ lệ cao nhất với 75,3%, tỉ lệ nữ/nam là 1,2/1. Bán cầu não phải là khu vực tổn thương thường gặp nhất (50,5%). Tổn thương nhồi máu não chiếm đa số với tỉ lệ 71,7%. Khi mới vào viện, 67,2% người bệnh có nguy cơ rối loạn cảm xúc, trong đó 8,1% người bệnh có căng thẳng mức độ nặng hoặc rất nặng; 7,1% có lo âu mức độ nặng hoặc rất nặng; 10,1% số người bệnh có trầm cảm ở mức độ nặng hoặc rất nặng. Tại thời điểm 3 tháng sau vào viện, tỉ lệ người bệnh không có rối loạn cảm xúc là 39,9%, tỉ lệ căng thẳng giảm có ý nghĩa thống kê so với khi mới vào viện (14,7% so với 28,8%, p = 0,001). Ở lứa tuổi 50-80, sự khác biệt về tỉ lệ căng thẳng và lo âu giữa thời điểm vào viện và sau 3 tháng có ý nghĩa thống kê. Ở lứa tuổi trên 80, sự khác biệt về tỉ lệ căng thẳng tại thời điểm sau vào viện 3 tháng thấp hơn có ý nghĩa so với thời điểm vào viện.


Kết luận: Tỉ lệ nguy cơ có rối loạn cảm xúc ở người bệnh đột quỵ não khi mới vào viện là rất cao. Điều trị phục hồi chức năng có thể hỗ trợ làm giảm triệu chứng căng thẳng ở người bệnh, tuy nhiên cần phối hợp đồng thời với các can thiệp tâm lý khác.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

[1] Towfighi A, Saver J.L, Stroke declines from third to fourth leading cause of death in the United States: historical perspective and challenges ahead, Stroke, 2011, 42 (8), 2351-2355.
[2] Zhou B, Zhang J, Zhao Y et al, Caregiver-Delivered Stroke Rehabilitation in Rural China, Stroke, 2019, 50 (7), 1825-1830.
[3] Nguyễn Duy Bách và cộng sự, Nghiên cứu một số đặc điểm lâm sàng và hình ảnh cắt lớp vi tính sọ não ở người bệnh tai biến mạch máu não giai đoạn cấp tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam Cu Ba - Đồng Hới , Tạp chí Khoa học, Đại học Huế, 2009, số 52, tr. 5-12.
[4] Johnson J.L, Minarik P.A, Nyström K.V et al, Poststroke depression incidence and risk factors: an integrative literature review, J Neurosci Nurs, 38 (4 Suppl), 2006, 316-327.
[5] Hoàng Tiến Trọng Nghĩa và cộng sự, Tỉ lệ trầm cảm sau nhồi máu não và mối liên quan với vị trí nhồi máu não tại Bệnh viện Quân y 175, Tạp chí Y Dược học quân sự, 2022, số 5, tr. 110-118.
[6] Tang W.K, Lau C.G, Mok V et al, Impact of anxiety on health-related quality of life after stroke: a cross-sectional study, Arch Phys Med Rehabil, 2013, 94 (12), 2535-2541.