32. NHẬN XÉT KẾT QUẢ GÂY MÊ NỘI KHÍ QUẢN TRONG PHẪU THUẬT NỘI SOI U TUYẾN THƯỢNG THẬN LÀNH TÍNH TẠI BỆNH VIỆN NỘI TIẾT TRUNG ƯƠNG

Trần Ngọc Tuấn1
1 Bệnh viện Nội tiết Trung ương

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Nghiên cứu vô cảm và hồi sức chu phẫu trong 24 giờ cho 75 bệnh nhân mổ u tuyến thượng thận, chúng tôi rút ra kết luận như sau:


1. BN u tủy tuyến thượng thận cần điều trị nội khoa 7-10 ngày trước mổ bằng các thuốc chẹn alpha trước hoặc phối hợp thêm chẹn beta để ổn định huyết áp và nhịp tim. Các bệnh nhân có tăng huyết áp, thiếu kali cần bù cân bằng điện giải, điều trị tăng huyết áp ổn định trước ngày mổ. Các bệnh nhân mổ u tuyến thượng thận nên được làm huyết áp động mạch xâm lấn trước mổ và theo dõi huyết áp động mạch xâm lấn liên tục cho đến khi huyết áp ổn định. Bệnh nhân mổ cũ tuyến thượng thận tái phát hoặc u tuyến thượng thận to nên làm thêm đường truyền tĩnh mạch trung tâm để hồi sức bù máu, dịch kịp thời. Đặt sonde tiểu, sonde dạ dày, chuẩn bị sẵn sàng các thuốc hạ huyết áp, nâng huyết áp và các thuốc điều chỉnh rối loạn nhịp tim. Bổ sung hydrocortisone trong và sau mổ để tránh suy tuyến thượng thận. Bác sỹ gây mê hồi sức cần phối hợp tốt với phẫu thuật viên ở các thời điểm trong mổ (lôi kéo, bóc tách khối u gây tăng huyết áp; kẹp tĩnh mạch tuyến thượng thận gây tụt huyết áp) để duy trì ổn định huyết áp trong mổ.


2. Phương pháp gây mê nội khí quản đã bảo đảm hiệu quả vô cảm tốt cho mổ u tuyến thượng thận: thời gian mổ u tuyến thượng thận là 72,2 ± 16,3 phút. Nhóm bệnh nhân có hội chứng Conn và u tủy tuyến thượng thận cần lượng thuốc gây mê và giãn cơ nhiều hơn nhóm u không chế tiết và nhóm u có hội chứng Cushing. Rối loạn huyết động trong mổ ở tất cả các bệnh nhân có hội chứng Conn, hội chứng Cushing, u tủy tuyến thượng thận là 62/62 (100%), còn ở nhóm bệnh nhân có u không chế tiết chỉ là 2/13 (11,5%). Những bệnh nhân có rối loạn huyết động trong và sau mổ được dùng thuốc để điều chỉnh và đã làm ổn định nhịp tim, huyết áp cho bệnh nhân. Huyết áp trung bình và nhịp tim trung bình nhóm u tủy tuyến thượng thận và u vỏ tuyến thượng thận trước khi mổ 30 phút và sau khi mổ 3 giờ khác biệt không có ý nghĩa, nhưng trong mổ sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,05). Các bệnh nhân đều có tình trạng hô hấp tốt trước và sau mổ. Phỏng vấn bệnh nhân và phẫu thuật viên sau mổ 48 giờ đều hài lòng và rất hài lòng với phương pháp vô cảm.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

[1] Berends AMA, Kerstens MN, Lenders JWM, Timmers HJLM, Approach to the Patient: Perioperative Management of the Patient with
Pheochromocytoma or Sympathetic Paraganglioma, J Clin Endocrinol Metab, 2020, 105.
[2] Kim WW, Kim DH, Cho JW et al, The association between the type of anesthesia and hemodynamic instability during pheochromocytoma
surgery: a retrospective cohort study, Surg Endosc, 2022, 36: 5491.
[3] Domi R, Sula H, Pheochromocytoma, the challenge to anesthesiologist, J Endocrinol Metab, 2011, 1(3):97-100.
[4] Naranjo J, Dodd S, Martin YN, Perioperative Management of Pheochromocytoma, J Cardiothorac Vasc Anesth, 2017, 31: 1427.
[5] Patel D, Phay JE, Yen TWF et al, Update on Pheochromocytoma and Paraganglioma from the SSO Endocrine and Head and Neck Disease
Site Working Group, Part 2 of 2: Perioperative Management and Outcomes of Pheochromocytoma and Paraganglioma, Ann Surg Oncol,
2020, 27: 1338.
[6] Sauneuf B, Chudeau N, Champigneulle B et al, Pheochromocytoma Crisis in the ICU: A French Multicenter Cohort Study With Emphasis on
Rescue Extracorporeal Membrane Oxygenation, Crit Care Med, 2017, 45: e657.
[7] Groeben H, Walz MK, Nottebaum BJ et al, International multicentre review of perioperative management and outcome for catecholamine-producing tumours, Br J Surg, 2020, 107: e170.
[8] Takeda T, Hakozaki K, Yanai Y et al, Risk factors for haemodynamic instability and its prolongation during laparoscopic adrenalectomy
for pheochromocytoma, Clin Endocrinol (Oxf), 2021, 95: 716.
[9] Weingarten TN, Welch TL, Moore TL et al, Preoperative Levels of Catecholamines and Metanephrines and Intraoperative Hemodynamics of Patients Undergoing Pheochromocytoma and Paraganglioma Resection, Urology, 2017, 100: 131.
[10] Wiseman D, McDonald JD, Patel D et al, Epidural anesthesia and hypotension in pheochromocytoma and paraganglioma, Endocr Relat Cancer, 2020, 27: 519.
[11] Wu S, Chen W, Shen L et al, Risk factors for prolonged hypotension in patients with pheochromocytoma undergoing laparoscopic adrenalectomy: a single-center retrospective study, Sci Rep, 2017, 7: 5897.