MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN ĐẾN SỰ TUÂN THỦ ĐIỀU TRỊ CỦA BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TÝP 2
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Mục tiêu: Khảo sát các yếu tố liên quan đến sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân đái tháo đường týp 2 tại Trung tâm Y tế huyện Mỹ Xuyên. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu cắt ngang, mô tả và phân tích về mối liên quan giữa các yếu tố với mức độ tuân thủ điều trị bệnh nhân đái tháo đường trên 385 hồ sơ bệnh án bệnh nhân đái tháo đường tại Trung tâm Y tế huyện Mỹ Xuyên, từ tháng 11/2019 đến tháng 03/2020. Kết quả: Bệnh nhân nam tuân thủ tốt với tỉ lệ 75,2%, trong khi đó bệnh nhân nữ tuân thủ tốt chỉ chiếm 69,0%. Nhóm bệnh nhân >70 tuổi có tỷ lệ tuân thủ tốt ở mức cao với 81,3%, tỉ lệ tuân thủ thấp nhất là ở nhóm bệnh nhân <50 tuổi (44,4%). Bệnh nhân có trình độ tiểu học có mức độ tuân thủ điều trị tốt nhất 75,7%, thấp hơn là ở nhóm có trình độ trung học 72,0%, tiếp theo là nhóm bệnh nhân cao đẳng đại học (69,2%) và nhóm có trình độ sau đại học (63,6%). Tỉ lệ tuân thủ thấp nhất ở nhóm bệnh nhân có thu nhập hơn 10 triệu/tháng 42,9%. Tỉ lệ tuân thủ cao nhất được ghi nhận ở nhóm bệnh nhân không có thu nhập (sống phụ thuộc gia đình, con cái…) là 81,4%. Nhóm bệnh nhân nội trợ có tỉ lệ tuân thủ cao nhất (81,6%), thấp nhất ở nhóm bệnh nhân CB – CC với tỉ lệ tuân thủ là 48,1%. Nhóm bệnh nhân điều trị đái tháo đường trên 11 năm có tỉ lệ tuân thủ là 79,0%, nhóm bệnh nhân điều trị 4–7 năm và 8-11 năm với tỉ lệ lần lượt là 76,0% và 70,4%; nhóm 1-3 năm với 57,2% và nhóm <1 năm, >6 tháng (55,7%). Kết luận: Có mối liên quan có ý nghĩa thống kê về sự tuân thủ điều trị giữa các nhóm tuổi khác nhau, giữa các mức thu nhập khác nhau, các nghề nghiệp khác nhau và thời gian điều trị khác nhau. Không có sự liên quan giữa giới tính, trình độ học vấn với mức độ tuân thủ điều trị.