3. KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ HẸP ỐNG SỐNG THẮT LƯNG BẰNG PHẪU THUẬT NỘI SOI HAI CỔNG MỘT BÊN

Nguyễn Thành Nhân1,2, Hoàng Nguyễn Anh Tuấn1, Lê Tường Viễn1, Nguyễn Ngọc Thôi1, Lê Viết Sơn1, Đoàn Thái Duy1, Bùi Hồng Thiên Khanh1,2
1 Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh
2 Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Đặt vấn đề: Hẹp ống sống thắt lưng là chỉ định phẫu thuật thường gặp nhất ở người lớn tuổi. Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu là một xu thế tất yếu, trong đó phẫu thuật nội soi (PTNS) cột sống hai cổng một bên là một hướng đi mới nhiều triển vọng. Điều trị hẹp ống sống thắt lưng bằng PTNS cột sống hai cổng một bên là một phương pháp điều trị mới, nhiều thuận lợi.


Mục tiêu: Đánh giá kết quả lâm sàng của bệnh nhân (BN) hẹp ống sống thắt lưng được điều trị bằng phẫu thuật nội soi cột sống 2 cổng một bên giải ép làm rộng ống sống.


Phương pháp: thiết kế nghiên cứu mô tả loạt ca, khảo sát 30 BN hẹp ống sống thắt lưng được điều trị với kỹ thuật nội soi hai cổng một bên tại Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 01 năm 2019 đến tháng 07 năm 2022. Thang điểm đau lưng, đau chân (VAS), điểm chức năng (ODI-Oswestry Disability Index) trước mổ được ghi nhận và so sánh với thời điểm đánh giá lần cuối. Tiêu chuẩn Macnab cũng được đánh giá tại lần theo dõi cuối cùng.


Kết quả: Thời gian theo dõi hậu phẫu trung bình là 17,3 ± 9,4 tháng, với trường hợp có thời gian theo dõi ngắn nhất là 6 tháng và dài nhất là 41 tháng. Thời gian phẫu thuật trung bình là 144,1 ± 57,3 phút, ngắn nhất 50 phút và dài nhất 260 phút, thời gian nằm viện trung bình là 3,97 ± 2,04 ngày, ngắn nhất 1 ngày và dài nhất 11 ngày. Điểm VAS trung bình cho đau chân giảm từ 6,63 ± 2,66 điểm trước phẫu thuật xuống 0,79 ± 1,01 điểm ở lần tái khám cuối cùng và điểm VAS trung bình cho đau lưng giảm từ 7,00 ± 1,95  điểm xuống 1,10 ± 1,11 điểm. Điểm số ODI trung bình đã cải thiện đáng kể từ 62,55 ± 9,68 điểm % trước phẫu thuật giảm còn 22,31 ± 14,72 điểm % tại thời điểm 6 tháng sau mổ và 21,06 ± 15,67 điểm % ở lần đánh giá sau cùng. Kết quả theo Macnab cải biên là 46,6% bệnh nhân có kết quả điều trị rất tốt, 26,7% có kết quả tốt và 26,7% có kết quả trung bình. Về hình ảnh học, đường kính trước – sau ống sống hẹp nhất và thiết diện cắt ngang ống sống hẹp nhất đã cải thiện rõ rệt có ý nghĩa sau mổ, từ 4,65 ± 1,21 mm tăng lên 8,93 ± 3,32 mm (p<0,05), và 0,44 ± 0,21 cm2 tăng lên 0,94 ± 0,42 cm2 (p<0,05). Không có trường hợp nào có kết quả điều trị kém. Không có BN nào phải phẫu thuật lại do giải ép không hoàn toàn. Có 2 ca có biến chứng : 1 trường hợp tràn dịch đa màng, 1 trường hợp máu tụ ngoài màng cứng.


Kết luận: Kỹ thuật nội soi hai cổng một bên giải ép cho hẹp ống sống thắt lưng có thể được thực hiện một cách an toàn và hiệu quả. Kết quả theo dõi bước đầu là rất khả quan. Có thể ứng dụng rộng rãi kỹ thuật này trong tương lai.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

[1] Weinstein J.N., Tosteson T.D., Lurie J.D., et al. (2008) "Surgical versus nonsurgical therapy for lumbar spinal stenosis". New England Journal of Medicine, 358 (8), 794-810.
[2] Gille O., Jolivet E., Dousset V., et al. (2007) "Erector spinae muscle changes on magnetic resonance imaging following lumbar surgery through a posterior approach". Spine, 32 (11), 1236-1241.
[3] Peul W.C., Moojen W.A. (2016) Fusion for lumbar spinal stenosis—safeguard or superfluous surgical implant? New England Journal of Medicine, 374(15), 1478-1479.
[4] Försth P., Ólafsson G., Carlsson T., et al. (2016) "A randomized, controlled trial of fusion surgery for lumbar spinal stenosis". New England Journal of Medicine, 374 (15), 1413-1423.
[5] Kim H.S., Paudel B., Jang J.S., et al. (2017) "Percutaneous full endoscopic bilateral lumbar decompression of spinal stenosis through uniportal-contralateral approach: techniques and preliminary results". World neurosurgery, 103, 201-209.
[6] Lu W., Luk K., Ruan D., et al. (1999) "Stability of the whole lumbar spine after multilevel fenestration and discectomy". Spine, 24 (13), 1277.
[7] Choi D.-J., Kim J.-E., Jung J.-T., et al. (2018) "Biportal endoscopic spine surgery for various foraminal lesions at the lumbosacral lesion". Asian spine journal, 12 (3), 569.
[8] Kim J.-E., Choi D.-J. (2018) "Unilateral biportal endoscopic decompression by 30 endoscopy in lumbar spinal stenosis: technical note and preliminary report". Journal of orthopaedics, 15 (2), 366-371.
[9] Pao J.-L., Lin S.-M., Chen W.-C., et al. (2020) "Unilateral biportal endoscopic decompression for degenerative lumbar canal stenosis". Journal of Spine Surgery, 6 (2), 438.
[10] Vi Trường Sơn, Nguyễn Văn Sơn, Phan Trọng Hậu (2021). Kết quả phẫu thuật giải chèn ép ống sống qua ống banh điều trị hẹp ống sống thắt lưng do thoái hóa. Tạp chí Y học Việt Nam. 2021;505(1):23-27.
[11] Vũ Văn Cường, Đinh Thế Hưng, Đỗ Mạnh Hùng, Nguyễn Hoàng Long (2022). Kết quả phẫu thuật nội soi liên bản sống điều trị bệnh lý hẹp ống sống thắt lưng. Tạp chí Y học Việt Nam. 2022;513(1):119-122.