37. NHÂN TRƯỜNG HỢP CẤP CỨU BÁO ĐỘNG ĐỎ THÀNH CÔNG BỆNH NHÂN SHOCK MẤT MÁU DO VỠ PHÌNH MẠCH CẢNH - VAI TRÒ CỦA ĐẶT NỘI KHÍ QUẢN TỈNH TRONG KIỂM SOÁT ĐƯỜNG THỞ KHÓ

Nguyễn Thị Thu Ba 1
1 Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc Phúc Trường Minh

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Mục tiêu: Mô tả, phân tích tình huống lâm sàng, cách tiếp cận xử trí đường thở, áp dụng hướng dẫn đặt nội khí quản tỉnh của DAS và kết quả điều trị.


Phương pháp: Báo cáo ca lâm sàng xử trí đặt nội khí quản, hồi sức, can thiệp cầm máu cho bệnh nhân được chẩn đoán shock mất máu do ổ loét vùng cổ sau tia xạ điều trị ung thư lưỡi lan vào ổ phình mạch cảnh trong tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc Phúc Trường Minh tháng 3/2024.


Kết quả: Bệnh nhân nam 53 tuổi, tiền sử ung thư lưỡi đã phẫu thuật nạo vét hạch, hạch tái phát, phẫu thuật, xạ trị 2 năm, hiện hóa trị thuốc đích, biến chứng loét vùng cổ bên phải. Bệnh nhân vào viện sau nhiều ngày đau kèm rỉ máu vùng loét thượng đòn phải, chụp CT tại một bệnh viện khác có ổ giả phình động mạch cảnh trong, có kế hoạch nút mạch cầm máu, đã thử đặt ống nội khí quản để can thiệp nhưng không thành công nên dừng lại, tuy nhiên máu vẫn chảy nhiều, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Hồng Ngọc. Tại phòng cấp cứu, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc chậm, da và niêm mạc nhợt trắng, máu đùn từ vùng cổ phải. Khám thấy vùng cổ và thượng đòn phải có vết loét khoảng 4 × 5 cm, có máu chảy thành tia, cổ hạn chế vận động, nghiêng vẹo về bên phải. Bệnh nhân tự thở, nhanh nông, kích thích, hoảng loạn, mạch 125 lần/phút, huyết áp 98/53 mmHg, nhịp thở 24 lần/phút, SPO2 93% (oxy mask 10 lít/phút).


Chẩn đoán: mất máu cấp nghi do vỡ ổ giả phình động mạch cảnh trên bệnh nhân ung thu lưỡi đã phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, di căn hạch cổ biến chứng loét, hoại tử vùng hố thượng đòn phải.


Tình huống cấp cứu, báo động đỏ toàn viện, cần đặt nội khí quản khẩn cấp để hồi sức và can thiệp nút mạch cầm máu hoặc phẫu thuật. Đánh giá bệnh nhân khó đặt nội khí quản, khó thông khí qua mask cũng không thể tiếp cận đường cổ trước dễ dàng, đã thử và thất bại tại một bệnh viện khác. Ekip cấp cứu đưa ra quyết định đặt nội khí quản khi tỉnh bằng nội soi ống mềm dù tình huống cần thực hiện ngay lập tức. Bệnh nhân được duy trì tự thở, tiền mê, tê tại chỗ đường thở, đặt ống nội khí quản số 7.0 bằng nội soi ống mềm qua mũi thuận lợi không chấn thương. Sau đó bệnh nhân được hồi sức dịch, tuần hoàn, truyền máu, can thiệp đặt stent mạch cảnh, dừng chảy máu từ mạch cảnh. Bệnh nhân tiếp tục hồi sức tại đơn vị hồi sức tích cực, rút nội khí quản sau 1 ngày, ra viện sau 15 ngày.


Kết luận: Đưa ra chiến lược quản lý đường thở trong các đơn vị hồi sức, cấp cứu hoặc gây mê là vô cùng quan trọng. Đặt nội khí quản tỉnh được khuyến cáo là cần được tính đến ở tất cả các bệnh nhân có đường thở khó. Tuy nhiên, khi đưa ra quyết định sử dụng chiến lược này cần được tính toán trên từng bệnh nhân, cân nhắc đến một số yếu tố liên quan. Trong các tình huống cấp cứu, dù phải đặt nội khí quản rất nhanh nhưng đặt nội khí quản tỉnh bằng nội soi ống mềm vẫn là cứu cánh hiệu quả và an toàn trong chiến lược quản lý đường thở khi mà các đường tiếp cận khác đều gặp khó khăn hoặc không thể.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

[1] Paul Potnuru, MD Carlos Artime, MD Calvin A Brown, III, MD et al, Awake tracheal intubation, Up to date, 2024.
[2] Ahmad I, El-Boghdadly K, Bhagrath R et al, Difficult Airway Society guidelindes for awake tracheal intubation (ATI) in adults. Pubmed, 2020
Apr, 75(4): 509-528. doi:10.1111/anae.14904.Epub 2019 Nov 14.
[3] Calvin A Brown, III, MD Approah to the difficult airway in adults for emergency medicine and critical care, Up to date 2023.
[4] Apfelbaum JL, Hagberg CA, Connis RT et al, American Society of Anesthesiologists Practice Guidelines for Management of the Difficult Airway, Anesthesiology, 2022, 136:31.
[5] Membership of the Difficult Airway Society Extubation Guidelines Group. Difficult Airway Society Guidelines for the management of tracheal extubation, Anaesthesia, 2012, 67, 318-340.