60. QUẢN LÝ VÀ XỬ TRÍ NỐT PHỔI ĐƠN ĐỘC PHÁT HIỆN BẰNG CHỤP CẮT LỚP VI TÍNH LIỀU THẤP: CẬP NHẬT HƯỚNG DẪN VÀ TRƯỜNG HỢP LÂM SÀNG

Trần Hữu Phước1, Tiêu Chí Đức1
1 Bệnh viện Nhân dân Gia Định

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Tổng quan: Nốt phổi đơn độc là một tổn thương có kích thước nhỏ hơn 3 cm, thường được phát hiện tình cờ qua các kỹ thuật hình ảnh chẩn đoán. Trong những năm gần đây, chụp cắt lớp vi tính (CLVT) liều thấp đã trở thành phương pháp tầm soát phổ biến, đặc biệt trong chương trình tầm soát ung thư phổi ở nhóm nguy cơ cao. Chụp CLVT liều thấp cung cấp khả năng phát hiện sớm các tổn thương nhỏ và giảm đáng kể liều bức xạ so với chụp CLVT thông thường, từ đó hạn chế các tác động tiêu cực liên quan đến phơi nhiễm phóng xạ. Tuy nhiên, việc quản lý nốt phổi đơn độc vẫn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là phân biệt giữa các nốt lành tính và ác tính. Quy trình xử trí dựa trên đánh giá lâm sàng, yếu tố nguy cơ, và các đặc điểm hình ảnh của nốt phổi trên chụp CLVT liều thấp.


Trường hợp lâm sàng: Một người bệnh nam 70 tuổi, có tiền sử hút thuốc, được phát hiện nốt phổi đơn độc kích thước 10 mm trên chụp CLVT liều thấp trong chương trình tầm soát ung thư phổi. Nốt phổi có bờ không đều và không có triệu chứng lâm sàng đi kèm. Dựa trên các yếu tố nguy cơ và đặc điểm hình ảnh, người bệnh được chỉ định thực hiện chụp PET-CT để đánh giá thêm về tính ác tính. Kết quả PET-CT cho thấy nốt phổi có hoạt động chuyển hóa cao, gợi ý khả năng ác tính. Vị trí nốt phổi không cho phép tiến hành sinh thiết dưới hướng dẫn CLVT . Người bệnh được phẫu thuật nội soi lồng ngực cắt sinh thiết lạnh và kết quả cho thấy ung thư phổi giai đoạn sớm. Sau đó, người bệnh đã được phẫu thuật cắt bỏ thùy dưới phổi trái. Người bệnh hồi phục tốt và được theo dõi định kì.


Kết luận: Chụp cắt lớp vi tính liều thấp đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm nốt phổi đơn độc, từ đó nâng cao hiệu quả tầm soát và điều trị ung thư phổi. Việc quản lý và xử trí nốt phổi đòi hỏi sự kết hợp giữa các yếu tố nguy cơ lâm sàng, hình ảnh học, và các phương pháp chẩn đoán xâm lấn khi cần thiết. Quy trình theo dõi và điều trị nên được cá thể hóa tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể nhằm tối ưu hóa hiệu quả điều trị, qua đó nâng cao tỷ lệ sống sót cho người bệnh.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

[1] National Lung Screening Trial Research T, Aberle DR, Adams AM, et al. Reduced lung-cancer mortality with low-dose computed tomographic screening. N Engl J Med. Aug 4 2011;365(5):395-409. doi:10.1056/NEJMoa1102873
[2] de Koning HJ, van der Aalst CM, de Jong PA, et al. Reduced Lung-Cancer Mortality with Volume CT Screening in a Randomized Trial. N Engl J Med. Feb 6 2020;382(6):503-513. doi:10.1056/NEJMoa1911793
[3] MacMahon H, Naidich DP, Goo JM, et al. Guidelines for Management of Incidental Pulmonary Nodules Detected on CT Images:
From the Fleischner Society 2017. Radiology. Jul 2017;284(1):228-243. doi:10.1148/radiol.2017161659
[4] Hadique S, Jain P, Hadi Y, Baig A, Parker JE. Utility of FDG PET/CT for assessment of lung nodules identified during low dose computed tomography screening. BMC Medical Imaging. 2020;20(1)doi:10.1186/s12880-020-00469-0
[5] Elkhayat H, Rivas DG. Long-term survival following thoracoscopic versus open lobectomy for stage I non-small cell lung cancer. Annals of
Translational Medicine. 2019;7(S3):S147-S147. doi:10.21037/atm.2019.06.24