4. ĐẶC ĐIỂM MÔ HÌNH BỆNH TẬT BỆNH VIỆN LÊ VĂN THỊNH GIAI ĐOẠN 2018-2023

Hoàng Thy Nhạc Vũ1,2, Trần Văn Khanh1, Trần Thanh Thiện3, Phạm Gia Thế1
1 Bệnh viện Lê Văn Thịnh
2 Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh
3 Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Mục tiêu: Nghiên cứu được thực hiện nhằm mô tả đặc điểm mô hình bệnh tật của Bệnh viện Lê Văn Thịnh (BVLVT) giai đoạn 2018-2023.


Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang, thực hiện thông qua hồi cứu dữ liệu liên quan đến người bệnh có BHYT điều trị tại BVLVT trong giai đoạn 2018-2023. Đặc điểm mô hình bệnh tật sẽ được mô tả theo phân loại ICD-10, theo đối tượng điều trị (nội trú và ngoại trú), độ tuổi, giới tính.


Kết quả: Trong giai đoạn 2018-2023, có 2.716.943 lượt người bệnh có BHYT được điều trị tại BVLVT, trong đó, số lượt điều trị cho trẻ em chiếm 10,1%; cho nữ chiếm 58,6%. Số lượt điều trị ngoại trú trong mỗi năm đều chiếm tỷ lệ cao hơn 95%; tổng lượt điều trị nội trú cũng như ngoại trú của năm 2021 thấp nhất trong cả giai đoạn, và có xu hướng tăng trong năm 2022-2023. Ba nhóm bệnh có lượt khám chữa bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất là bệnh tim mạch (27,5%); bệnh hô hấp (12,5%); bệnh nội tiết, dinh dưỡng, chuyển hóa (11,9%). Trong giai đoạn 2018-2023: 52,2% tổng lượt điều trị tập trung vào 10 bệnh chính, trong đó, bệnh tăng huyết áp vô căn nguyên phát chiếm 24,8%; và bệnh đái tháo đường típ 2 chiếm 9,3%. Ba bệnh có lượt điều trị cao nhất ở trẻ em là bệnh viêm mũi họng cấp, viêm họng cấp, và viêm amidan cấp. Các nhóm bệnh có lượt điều trị cao trong cả ngoại trú và nội trú (bệnh hô hấp, bệnh tim mạch, bệnh tiêu hóa) đều có lượt điều trị năm 2021 thấp nhất cả giai đoạn, giảm dần trong giai đoạn 2018-2021 và tăng trở lại trong năm 2022-2023, với năm 2023 có giá trị tổng lượt điều trị cao nhất cả giai đoạn.


Kết luận: Nghiên cứu đã cung cấp thông tin tổng quát về các bệnh lý phổ biến, xu hướng thay đổi của bệnh tật trong phạm vi toàn viện, điều trị nội trú, ngoại trú, ở các lứa tuổi trẻ em, người trưởng thành, người cao tuổi. Đây là cơ sở khoa học để Bệnh viện điều chỉnh cơ cấu danh mục thuốc, hoạch định các chiến lược chăm sóc sức khỏe hiệu quả hơn, phân bổ nguồn lực một cách hợp lý và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân trong khu vực.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

[1] Tổ chức Y tế Thế giới. Global Report on Diabetes, 2016.
[2] Hoàng Thy Nhạc Vũ, Nguyễn Thanh Thuỷ, Đặng Kim Loan & cs, Đặc điểm mô hình bệnh tật tại bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011-2017. Tạp chí Y học thành phố Hồ Chí Minh, 2018, 22(1): 285-292.
[3] Nguyễn Thị Lan, Nguyễn Minh Phương, Nghiên cứu mô hình bệnh tật và tử vong trẻ em tại một số bệnh viện tại Tỉnh Cà Mau năm 2018-2022. Tạp chí Y học Việt Nam, 2023, 530(1): 115-120.
[4] Hoàng Thy Nhạc Vũ, Cù Thanh Tuyền, Trần Thị Ngọc Vân & cs, Đặc điểm mô hình bệnh tật của Bệnh viện Phú Nhuận Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2012-2016. Tạp chí Y học Thành phố Hồ Chí Minh, 2019, 23(2): 396–402.
[5] Bùi Thị Minh Hiền, Nguyễn Thanh Thủy, Trần Thị Ngọc Vân & cs, Mô tả đặc điểm mô hình bệnh tật tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bến Tre giai đoạn 2010-2017. Tạp chí Y học thành phố Hồ Chí Minh, 2019, 23(2): 423-422.
[6] Mai Thanh Diện, Lê Thị Yến Lang, Phân tích mô hình bệnh tật bệnh nhân điều trị ngoại trú tại Bệnh viện quận Thủ Đức 2019-2020. Tạp chí Y học Dự phòng, 2023, 33(6): 127-135.
[7] Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ. Respiratory Viruses and Young Children, 2024.
[8] Tổ chức Y tế Thế giới. Cardiovascular diseases (CVDs), 2020.
[9] Hoàng Thy Nhạc Vũ, Trần Văn Khanh, Trần Thanh Thiện & cs, Phân tích chi phí trực tiếp y tế trong điều trị cho người bệnh có bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh năm 2023. Tạp Chí Y học Việt Nam, 2023, 530(1B): 186-190